Những thông số màn hình chơi game bạn cần chú ý: Tốc độ làm mới; G-Sync và FreeSync; Độ trễ đầu vào; Thời gian đáp ứng; Màn TN và IPS; HDR; Công nghệ chấm lượng tử; Không gian màu; Độ sáng cực đại; Tỉ lệ khung hình.
Tốc độ làm mới (Refresh Rate)
Refresh rate là tốc độ màn hình thay đổi hình ảnh. Ngay cả thời đại của chúng ta, video vẫn chỉ là tập hợp của các hình ảnh tĩnh thay đổi cực nhanh. Tốc độ thay đổi hình ảnh được đo bằng hetz (Hz). Ví dụ, nếu bạn có màn hình 120Hz, nó có thể làm mới 120 lần trên giây. Một màn hình 60Hz chỉ có tốc độ bằng một nửa màn hình 120Hz, 60 lần trên giây và tốc độ làm mới 144Hz có nghĩa là nó có thể thay đổi 144 lần trên giây.
Hầu hết các màn hình ngày nay đều có tốc độ làm mới 60Hz tiêu chuẩn. Tuy nhiên, các màn hình chơi game được đánh giá cao hơn có tốc độ làm mới 120Hz và 144Hz. Tốc độ làm mới càng cao, trò chơi được hiển thị trên màn hình càng mượt mà với điều kiện card đồ họa của bạn có thể xử lý được.
G-Sync và FreeSync
Đi đôi với tốc độ làm mới là Nvidia G-Sync và FreeSync của AMD. Mỗi công ty card đồ họa hỗ trợ công nghệ tốc độ làm mới riêng của họ (còn được gọi là đồng bộ thích ứng). Điều này có nghĩa là khi card đồ họa và màn hình của bạn đồng bộ tốc độ làm mới để mang lại hình ảnh mượt mà và nhất quán hơn.
Khi card đồ họa đẩy nhiều khung hình hơn màn hình có thể hiển thị, màn hình của bạn sẽ bị rách hình.
Do đó, đồng bộ thích ứng rất tuyệt nhưng bạn phải có card đồ họa hỗ trợ công nghệ đó. Nói chung, nếu máy tính sử dụng card đồ họa Nvidia GeForce, bạn nên mua màn hình G-Sync và nếu sử dụng card đồ họa AMD Radeon chọn màn hình FreeSync.
Tuy nhiên, có một số màn hình FreeSync cũng hỗ trợ G-Sync. Đây là một tin tuyệt vời, vì màn hình FreeSync thường rẻ hơn so với các đối tác G-Sync. Tuy nhiên, chỉ có một số ít màn hình FreeSync tương thích với G-Sync. Vì vậy, đừng quên kiểm tra đánh giá để xem cách hoạt động của G-Sync trên FreeSync trước khi mua.
Độ trễ đầu vào (Input lag)
Tốc độ làm mới chỉ là một phần của thông số màn hình, một vấn đề khác cần xem xét đó là độ trễ đầu vào.
Hầu hết khi mọi người nói về độ trễ đầu vào là chỉ độ trễ giữa thời điểm bạn nhấn bàn phím, click chuột hoặc di chuyển bộ điều khiển với hành động được phản ánh trên màn hình. Nếu không có độ trễ có thể nhận biết, nhấn phím, click chuột và các đầu vào khác sẽ xuất hiện ngay lập tức. Nếu có độ trễ, bạn sẽ thấy phải mất nửa giây hoặc lâu hơn hành động mới diễn ra trên màn hình.
Một định nghĩa về độ trễ đầu vào là nói về hình ảnh. Luôn có một độ trễ nhỏ giữa tín hiệu video chạm màn hình và khi hiển thị lên màn hình. Độ trễ vài mili giây này đôi khi được gọi là độ trễ đầu vào nhưng được gọi chính xác hơn là độ trễ hiển thị. Và khi chơi một trò chơi chuyển động nhanh, đối thủ có thể tấn công bạn trước khi bạn biết họ đang ở đó.
Độ trễ đầu vào của bộ điều khiển hoặc độ trễ hiển thị làm cho màn hình trông tệ, vì vậy bạn sẽ không tìm thấy những con số này được quảng cáo trên trang sản phẩm của Amazon. Ngoài ra, độ trễ đầu vào không chỉ do màn hình, nó có thể bị ảnh hưởng bởi hệ thống hoặc cài đặt đồ họa trong trò chơi chẳng hạn như V-Sync.
Thời gian đáp ứng (Response Time)
Response Time là thời gian để các pixel trên màn hình thay đổi màu và được tính bằng mili giây.
Nó thường được đo bằng cách tính thời gian cần thiết để chuyển từ màu đen sang màu trắng và trở lại. Tuy nhiên, đôi khi bạn sẽ thấy thời gian đáp ứng là 4ms (GTG). Nó có nghĩa là gì? Đây là thời gian đáp ứng khi chuyển từ màu xám sang một loạt sắc thái màu xám khác.
Nói chung, thời gian đáp ứng càng thấp thì càng tốt, vì điều đó có nghĩa là các pixel trên màn hình của bạn có thể chuyển đổi đủ nhanh để chuyển sang khung hình tiếp theo. Nghe có vẻ giống như tốc độ làm mới vì hai khái niệm này liên quan đến nhau. Tốc độ làm mới là khái niệm cao cấp cho biết có bao nhiêu khung hình ảnh được hiển thị trên màn hình trong một giây. Thời gian đáp ứng làm công việc ở mức thấp hơn, các pixel riêng lẻ chuyển từ khung hình này sang khung hình tiếp theo.
Nếu các pixel không di chuyển đến hình ảnh tiếp theo đủ nhanh, bạn sẽ gặp vấn đề về hình ảnh trên màn hình được gọi là bóng ma. Khi xảy ra hiện tượng này, các vật sẽ trông mờ và giống như bạn đang thấy gấp đôi hoặc các đối tượng nền có thể có quầng sáng xung quanh chúng.
Công nghệ panel TN và IPS
Nhìn chung, có hai loại công nghệ panel bạn sẽ thấy khi mua màn hình máy tính mới: twisted nematic (TN) và IPS (in-plane switching). Công nghệ panel TN cung cấp thời gian đáp ứng tốt nhất cho màn hình chơi game. Tuy nhiên nhiều người phàn nàn về màu sắc trên TN panel có vẻ nhạt nhòa.
Màn hình TN cũng có góc nhìn kém hơn vì vậy nếu không ngồi đúng vị trí màn hình, bạn sẽ không thấy các chi tiết và một số vật trong các cảnh tối. Bạn nên đến cửa hàng và kiểm tra chúng để có thể thấy sự khác biệt giữa TN và IPS.
HDR
Dải tương phản động mở rộng (High dynamic range – HDR) là một tính năng lớn của màn hình hiện đại. Bạn sẽ thấy nó trong các màn hình 4K UHD nhưng HDR cũng có thể sử dụng trên các màn hình khác. HDR cho phép dải màu rộng hơn, màu sắc trông sống động hơn trên màn hình và hiệu ứng tuyệt đẹp.
HDR là một tính năng thậm chí còn tốt hơn 4K. Một màn hình 1080p với HDR cũng đáng để bạn xem xét. Tuy nhiên, bạn vẫn nên kiểm tra kỹ các đánh giá về tính năng này.
Công nghệ chấm lượng tử (Quantum Dot)
Màn hình chấm lượng tử sử dụng chất bán dẫn tinh thể cực nhỏ (không rộng hơn vài nanomet), mỗi loại có khả năng phát ra một màu duy nhất, rất thuần. Các nhà sản xuất màn hình lấy một loạt các chấm lượng tử phát ra màu đỏ và màu xanh lá cây, dán chúng lên một lớp màn hình và sau đó chiếu đèn nền LED màu xanh lam lên chúng. Kết quả là màu trắng rực rỡ hơn, có thể được lọc để hiển thị dải màu rộng hơn cho màn hình LCD của bạn.
Tóm lại chấm lượng tử là một công nghệ khác để làm cho màu sắc sống động hơn, từ đó cải thiện hình ảnh tổng thể trên màn hình.
Không gian màu (color space)
Không gian màu hay color profile là dải màu tiềm năng mà màn hình có thể hiển thị. Nó không thể hiển thị mọi màu sắc mà chúng ta có thể thấy, vì vậy nó xác định trước một tập hợp các màu đó được gọi là không gian màu.
Có một vài không gian màu bạn sẽ thấy khi xem thông số kỹ thuật của màn hình như sRGB, AdobeRGB và NTSC. Các tiêu chuẩn này đều có cách riêng để xác định màu sắc nào mà màn hình có thể tái tạo.
Các nhà sản xuất màn hình thường tuyên bố màn hình của họ bao phủ X phần trăm của sRGB (không gian màu phổ biến nhất), NTSC hoặc AdobeRGB. Điều này có nghĩa là nếu sRGB xác định bộ màu của nó trong một dải màu cụ thể, màn hình bạn đang xem có thể tái tạo trung thực X phần trăm màu trong không gian màu đó.
Bạn chỉ cần nhớ tỷ lệ phần trăm cho mỗi tiêu chuẩn không gian màu càng cao thì màn hình càng có khả năng tái tạo màu tốt.
Độ sáng cực đại (Peak Brightness)
Không phải tất cả các màn hình đều có đánh giá độ sáng cực đại trong thông số kỹ thuật của nó. Đánh giá này chỉ độ sáng cực đại được đo bằng candela trong một mét vuông (cd/m2). Khi một hình ảnh hiển thị trên màn hình, các phần sáng nhất của nó có khả năng đạt được mức độ sáng tối đa, trong khi các bit tối hơn sẽ ở dưới mức đó.
Nói chung, độ sáng cực đại từ 250 đến 350 cd/m2 được coi là chấp nhận được và đây là thông số của hầu hết các màn hình. Nếu có màn hình HDR, bạn sẽ thấy thông số ít nhất là 400 nit (1 nit tương đương với 1 cd/m2).
Mỗi người có đánh giá độ sáng màn hình khác nhau. Một số người có thể thích màn hình PC 1.000 nit, trong khi những người khác phàn nàn rằng nó quá sáng với mắt của họ.
Tỷ lệ khung hình (Aspect Ratio)
Cuối cùng, tỷ lệ khung hình, chẳng hạn như 16:9, 21:9 hoặc 32:10 là thứ bạn cần quan tâm khi mua màn hình. Số đầu tiên trong tỷ lệ biểu thị chiều rộng của màn hình và số thứ hai là chiều cao. Trên màn hình 16:9 có nghĩa là cứ 16 đơn vị chiều rộng thì có chín đơn vị chiều cao.
Nếu đã từng xem một tập phim cổ điển hoặc bất kỳ chương trình truyền hình cũ nào, bạn sẽ nhận thấy rằng nó nằm trong một hộp vuông ở giữa màn hình TV hiện đại của bạn. Đó là bởi vì các chương trình TV cũ hơn đã sử dụng tỷ lệ khung hình 4:3. Màn hình và TV trung bình có tỷ lệ 16:9, với màn hình ultrawide thường đạt 21:9, nhưng có nhiều tỷ lệ khác, chẳng hạn như 32:10 và 32:9.
Trừ khi bạn đang tìm kiếm một màn hình 16:9 hoặc 21:9 phổ biến, cách tốt nhất là đến một phòng trưng bày để xem các tỷ lệ khung hình khác trông như thế nào và liệu chúng có hấp dẫn bạn không.
Xem sản phẩm chúng tôi tại: Sản phẩm Retro
Ghé thăm Fanpage Facebook chúng tôi: Laptop Retro